Đừng vụ luật

  • T2, 11/09/2017 - 11:15
  • admin

Thứ Bảy tuần XXII TN 

Lc 6, 1-5

ĐỪNG VỤ LUẬT

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng Cứu độ đã đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì Người dạy dỗ với uy quyền của Thiên Chúa đã khuất phục quyền lực ma quỉ cũng như biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đứng về phía con người. Ngài không dùng luật pháp để o ép con người. Đó cũng là điểm nhấn mà bài Tin mừng hôm nay đề cập đến.

Trong thế giới hôm nay. Có khi luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi. Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để đè bẹp con người. Chúa Giêsu luôn lên tiếng cảnh báo thái độ như thế. Thật ra Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ Ngài không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng đến để kiện toàn.

Theo Kinh Thánh, khi Thiên Chúa làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Người chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó, Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St, 2,2-3). Như vậy, ngày thứ bảy là một ngày thánh, và dân Do Thái phải noi theo Chúa để nghỉ ngơi và để thờ phượng Chúa, tưởng nhớ công trình tạo dựng của Người. Trong Sách Xuất Hành, luật Sabbát sẽ là một luật buộc rất nhặt: … “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là một ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa: kẻ nào làm việc trong ngày sabbát sẽ bị xử tử” (Xuất Hành 31, 15)

Tin mừng hôm nay nói đến cuộc tranh luận giữa những người Biệt phái và Chúa Giêsu về luật lệ ngày Hưu lễ khi các môn đệ đi qua đồng lúa đã bứt vài bông lúa vò ra mà ăn cho đỡ đói. Trước thái độ gây hấn của những người Biệt phái, lần nào cũng vậy Chúa Giêsu luôn đối đáp điềm tĩnh và hợp lý. Trường hợp người ta đến gài bẫy hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho César không. Ngài cũng đã điềm tĩnh khôn ngoan trả lời: của Chúa thì hãy trả cho Chúa, của César hãy trả cho César. Lần khác, trường hợp người phụ nữ bị kết án tử hình phải ném đá chiếu theo luật, người ta cũng hỏi Chúa đồng thời cũng là cái bẫy. Chúa Giêsu cũng điềm tĩnh trả lời: Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá người này trước đi.

Và lần này về luật hưu lễ. Chúa Giêsu cũng dẫn chứng hành động của vua Đavít, và Ngài khẳng định hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Đó là ý nghĩa lề luật mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những người Biệt phái. Họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu hiện diện giữa họ là mục đích, là chủ ngày Hưu lễ. Tuy nhiên trong tâm thức hẹp hòi và không tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu, những người biệt phái lấy việc tuân giữ các chi tiết phức tạp của ngày hưu lễ làm tiêu chuẩn để xét giá trị của Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài.

Đối với việc cử hành của ngày Sabbat, dân Do Thái buổi sáng họ cầu nguyện trong gia đình, rồi đến Hội Đường nghe sách thánh và hát Thánh Vịnh với cộng đoàn, chiều đến họ đi thăm viếng bệnh nhân hoặc người già neo đơn, khi mặt trời lặn cả gia đình quy tụ cùng nhau hát Thánh Vịnh kết thúc ngày Sabbat. Một việc làm rất cao đẹp do chính Thiên Chúa truyền dạy cho dân riêng của Ngài, biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa và lợi ích thực tế của con người. Khi cử hành ngày Sabbat, người Do Thái tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ của họ.

Chính vì luật buộc nghỉ ngơi ấy, nhóm biệt phái khi thấy các môn đệ bứt bông lúa để ăn, họ đã phản đối vì môn đệ của Chúa không giữ luật ngày Sabbat. Chúa Giêsu không quở trách các môn đệ của Ngài, vì Ngài biết các ông đang đói. Chúa dẫn chứng câu chuyện Vua Đavít đã lấy bánh thánh để cho đoàn tùy tùng đi theo cũng đang đói để cùng ăn, để cho họ hiểu; và Ngài cũng tỏ mình cho họ biết Ngài là Thiên Chúa qua câu nói:  "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat". 

Ngặt một điều nhóm Biệt phái họ lại đi lệch không đúng với ý nghĩa của ngày Sabbat, họ sống nặng về hình thức, hẹp hòi khiến cho việc giữ luật trở thành gánh nặng và làm cho người ta quên đi cái cốt yếu của luật, như chàng thanh niên đến xin đi theo Chúa, anh thanh niên sống tuân giữ nghiêm nhặt theo luật, nhưng khi nghe Ngài nói hãy về bán hết của cải rồi đến theo Ngài, chàng thanh niên lẳng lặng bỏ đi. Nhóm biệt phái họ nghiêm ngặt về việc giữ luật khi thấy Chúa chữa bệnh nhân trong ngày Sabbat cũng bị họ đả kích bắt bẻ (Mt 12, 5), nên Ngài đã mạnh mẽ tuyên bố:“Ta đến không phải để phá bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn lề luật”(Mt 5, 17a). Từ đó họ tìm mọi cách để gài bẫy để bắt Ngài, như việc có phải nộp thuế cho Xê-da không? (Mt 22, 15-21). Hay chuyện đến hỏi ý Ngài có nên xử án người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8, 1-11)…v … v…

Ngày nay đạo Công Giáo chúng ta không giữ luật ngày Sabbat nữa, thay vào đó là ngày Chúa nhật, vì là ngày của Chúa, ngày thuộc về Chúa, cũng là ngày tôn vinh qua sự Phục Sinh Chúa Giêsu, Ngài đã hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại, khai sinh một kỷ nguyên mới bằng việc thiết lập Hội Thánh của Ngài để tiếp tục đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân. Người Công Giáo thánh hóa ngày Chúa nhật nhờ việc tham dự thánh lễ, thực hành bác ái, làm từ thiện và nghỉ ngơi theo tinh thần Kitô Giáo.