Ngày thứ năm của Đức Phanxicô tại Colombia: “hãy làm nô lệ cho hòa bình, mãi mãi!”
Ký giả Gerard O’Connell, trên tập san America của các Cha Dòng Tên Mỹ, cho hay: ngày kết thúc chuyến tông du 5 ngày của ngài tại Colombia nhằm cổ vũ hòa bình và hòa giải, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng hết sức thống thiết với các cư dân của quốc gia đa số theo Công Giáo này “Hãy làm nô lệ cho hòa bình, mãi mãi!”
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong một Thánh Lễ có sự tham dự của 800,000 người và của Tổng Thống Juan Manuel Santos cũng như các nhà cầm quyền dân sự và chính trị khác, cử hành tại khu vực hải cảng Cartagena. Khu vực này được trang trí bằng những sắp xếp hoa lá hết sức rực rỡ (Colombia vốn là nước sản xuất hoa số một trên thế giới) và Thánh Lễ diễn ra trong tiếng nhạc du dương và những bài thánh ca say đắm lòng người.
Đức Phanxicô diễn tả lời kêu gọi của ngài bằng cách mô phỏng khẩu hiệu của Thánh Peter Claver, vị thánh đã tự mô tả mình là “nô lệ cho các nô lệ, mãi mãi”.
Khẩu hiệu chuyến tông du của Đức Phanxicô là “Chúng ta hãy thực hiện bước đi đầu tiên”. Lúc chuẩn bị rời quốc gia 49 triệu dân này, nơi 4 triệu người đã tham dự các Thánh Lễ của ngài và nhiều người khác tràn ra các phố để hoan hô ngài, ngài không muốn năng động tính ấy mất đi. Do đó, ngài nói với họ, “Chúng ta đừng bằng lòng với việc ‘thực hiện bước đi đầu tiên’, thay vào đó, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta như mới mỗi ngày, ra đi gặp gỡ người khác và khuyến khích tình hòa hợp và tình huynh đệ. Chúng ta không thể đứng im”.
Ngài nhắc nhớ rằng Thánh Peter Claver, qua đời tại đây ngày 8 tháng Chín năm 1654, “sau 40 năm tự nguyện làm nô lệ, làm việc không mêt mỏi vì người nghèo, không đứng im”. Theo Đức Giáo Hoàng, bước đầu tiên của ngài đã gợi hứng cho nhiều người khác vươn tay ra với người lân cận và bước đi ấy ngày nay nên có cùng một tác dụng “vì anh chị em của anh chị em đang cần anh chị em”.
Trong một sứ điệp từ giã đầy xúc động, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu của lãnh thổ tươi đẹp này rằng “anh chị em hãy đi gặp họ. Đem đến cho họ cái ôm hòa bình, loại bỏ hết mọi bạo lực. Anh chị em ‘hãy làm nô lệ cho hòa bình, mãi mãi!’”.
Chuyến viếng thăm của ngài tại đây là một thành công lớn và khi ngài rời Bogota sáng nay, hàng ngàn người đã tụ tập từ sáng sớm để chào từ giã ngài khi ngài vượt lộ trình 15 kilômét từ thành phố ra phi trường.
Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô cũng nhắc mọi người nhớ rằng Cartagena, thành phố lớn thứ năm trong nước, được mệnh danh là “anh hùng” vì sự trì chí của nó trong việc bảo vệ nền độc lập và tự do của xứ sở cách nay 200 năm. Và năm 1985, Quốc Hội đã tuyên bố Cartagena là đại bản doanh nhân quyền của Colombia, vì nhờ đội ngũ truyền giáo của các linh mục Dòng Tên Peter Claver y Corberó, Alonso de Sandoval và Thầy Nicolás González, được đồng hành bởi nhiều công dân thành phố Cartagena de Indias ở thế kỷ thứ 17, đã phát sinh ý nguyện làm dịu tình huống của những người bị áp bức lúc đó, nhất là các nô lệ, mà các vị này đã khẩn khoản phải dành cho họ sự đối xử tử tế và quyền tự do.
Rút tỉa từ Tin Mừng trong ngày, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “tội do một người phạm thách thức mọi người chúng ta, nhưng chủ yếu nó liên hệ tới nạn nhân của tội một ai đó. Nạn nhân này được kêu gọi phải đưa ra sáng kiến để bất cứ ai gây hại không bị hư mất”.
Ngài cho rằng những ngày này, ngài nghe được nhiều chứng từ “của những người đã vươn tay ra với những ai gây hại cho họ” và do đó, “đã thực hiện bước đi đầu tiên trên một con đường khác hẳn với con đường đã đi" trên lãnh thổ này.
Ngài nói: “Hàng thập niên qua, Colombia luôn mong mỏi hòa bình nhưng, như Chúa Giêsu giảng dạy, hai bên xích lại gần nhau để đối thoại chưa đủ; còn cần nhiều tác nhân khác tham dự cuộc đối thoại này nữa để chữa lành tội lỗi”.
Ngài nói với họ, có lẽ như một lời cố vấn, rằng “Lịch sử chứng tỏ: các đường lối thực hiện hòa bình nhằm đặt lý lẽ lên trên trả thù, hòa hợp tinh tế giữa chính trị và luật pháp, đường lối này không thể làm ngơ sự can dự của người dân”. Nói cách khác, phải khai triển được một sự đồng thuận nơi công chúng, một điều hiện chưa diễn ra tại Colombia nhưng, có lẽ, chuyến viếng thăm của ngài có thể góp phần làm nó khả hữu.
Trong bài giảng lễ được nhiều người hoan hô, Đức Phanxicô nhắc mọi người nhớ rằng “hòa bình không đạt được bằng khuôn khổ luật lệ và các sắp xếp định chế giữa các nhóm chính trị và kinh tế có thiện ý”. Mặt khác, “Chúa Giêsu tìm thấy giải pháp cho sự thiệt hại đã gây ra nhờ việc đích thân gặp gỡ nhau của các phe phái”. Ngoài ra, theo ngài, “Điều luôn hữu ích là lồng vào các diễn trình hòa bình của chúng ta kinh nghiệm của các giới thường bị làm ngơ, để chính các cộng đồng có thể gây ảnh hưởng vào việc khai triển một ký ức tập thể”.
Hình như muốn đề nghị lập ra một Ủy Ban Chân Lý và Hoà Giải tại Colombia, nên Đức Phanxicô nói với họ rằng “các thương tích sâu hoắc và có tính lịch sử nhất thiết đòi hỏi các thời khắc trong đó công lý được thực hiện, các nạn nhân được dành cho cơ hội để biết sự thật, sự thiệt hại được sửa chữa thích đáng và các cam kết rõ ràng được đưa ra để tránh nhắc lại các tội ác này”.
Nhưng, ngài nói thêm, “đó mới chỉ là khúc đầu trong giải đáp của Kitô Giáo. Chúng ta buộc phải phát sinh ra một thay đổi văn hóa, 'từ bên dưới': để chúng ta thay thế nền văn hóa sự chết và bạo lực bằng nền văn hóa sự sống và gặp gỡ”. Đây là một diễn trìnhmà ngài tìm cách khuyến khích trong tuần vừa rồi.
Ngài nói với những người hiện diện rằng Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta đối chất “với các lối sống chỉ gây hại cho xã hội và tiêu diệt cộng đoàn”. Ngài bảo Thánh Peter Claver có khả năng phục hồi hy vọng cho những người ngài phục vụ không phải nhờ các bằng cấp đại học, mà nhờ “ngài có thiên tài sống Tin Mừng cách trọn vẹn, gặp gỡ những người bị người khác coi chỉ như các vật liệu phế thải”.
Ở đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại điều ngài đã nói với Liên Hiệp Quốc ngày 25 tháng Tám, năm 2015: “ích chung của mọi người nam nữ phải tiếp tục thăng tiến dựa trên nền tảng một cái hiểu đúng đắn về tình huynh đệ phổ quát và lòng tôn trọng tính thánh thiêng của mọi sự sống nhân bản, của mọi người nam nữ, người nghèo, người cao niên, trẻ em, người tàn tật, người chưa sinh, người thất nghiệp, người bị bỏ rơi, tất cả những ai bị coi là có thể vứt bỏ vì họ chỉ được coi như thành phần của một con số thống kê. Căn nhà chung của mọi người nam nữ cũng phải được xây dựng trên việc hiểu tính thánh thiêng nào đó của thế giới tạo dựng”.
Đức Phanxicô ca ngợi “tất cả những ai đã anh dũng và không mệt mỏi làm việc, thậm chí hy sinh mạng sống mình, cho việc bênh vực và bảo vệ các quyền và phẩm giá của con người nhân bản”. Ngài nói: ngày nay, “lịch sử đang yêu cầu chúng ta dứt khoát dấn thân để bênh vực các nhân quyền”.
Cuối cùng, ngài nói “Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cùng nhau cầu nguyện… cho việc cứu vớt những người sai lầm chứ không hủy hoại họ, cho công lý chứ không phải trả thù, cho việc hàn gắn trong sự thật chứ không phải cho việc quên lãng”.
Ngài yêu cầu họ cầu nguyện để làm trọn chủ đề của chuyến viếng thăm này: “Chúng ta hãy thực hiện bước đi đầu tiên!”
Đức Phanxicô nói rằng “đòi hỏi là xây dựng hòa bình” và cầu nguyện với nhau, “vì Chúa có khả năng cởi trói điều xem ra đối với chúng ta là bất khả, và Người vốn hứa sẽ đồng hành với chúng ta cho đến ngày sau cùng, và sẽ đem mọi cố gắng của chúng ta tới thành quả”.
800,000 người dự Thánh Lễ đứng im và hoan hô vang dậy khi ngài kết thúc bài nói. Non hai giờ đồng hồ sau đó, trước khi lên máy bay trở lại Rôma, họ dành cho ngài một buổi chia tay long trọng với sự trình diễn vũ và nhạc cổ truyền ngoạn mục. Ngài tỏ ra thưởng thức mọi giây phút của buổi chia tay này.